Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Có hai nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm cột sống: thoái hoá đĩa đệm và chấn thương. Từ hai nguyên nhân này có thể suy ra rất nhiều nguy cơ từ những thói quen, công việc hàng ngày trong cuộc sống. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Hãy tìm hiểu những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm và hạn chế những yếu tố nguy cơ bệnh xảy đến!
Có hai nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm là thoái hoá đĩa đệm và chấn thương:
+Đĩa đệm bị thoái hoá: do quá trình lão hoá tự nhiên, yếu tố di truyền hoặc đĩa đệm không được nuôi dưỡng tốt, lớp bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị già đi, suy yếu, dần xuất hiện các đường nứt và không còn chắc chắn để giữ khối nhân nhầy bên trong khiến nhân này thoát ra ngoài qua các khe nứt. Thoái hoá đĩa đệm là nguyên nhân gây ra khoảng 50% các trường hợp thoát vị đĩa đệm.
Xem thêm: Chữa thoái hoá cột sống bằng vật lý trị liệu
+Chấn thương: nếu thoái hoá là một quá trình diễn ra tương đối lâu dài thì đĩa đệm cũng có thể bị thoát vị ngay sau một lực tác động mạnh. Một cú ngã, một lần bưng bê ráng sức sai tư thế, một cú xoay người quá đà đột ngột khiến đĩa đệm bị xoáy, vặn, căng quá mức tạo ra các khe nứt bao xơ.
Tuỳ lực tác động mạnh hay nhẹ mà tình trạng nứt bao xơ có thể chỉ ở mức rạn các vòng bao xơ trong cùng khiến nhân nhầy chưa thoát được ra bên ngoài nhưng đã tràn vào vết rạn và đẩy phần bao xơ này lồi ra ngoài (thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ, vừa: phình, lồi đĩa đệm). Lực tác động quá mạnh có thể khiến lớp bao xơ bị rách hẳn khiến một phần nhân nhầy thoát hẳn ra bên ngoài, đây là mức độ nặng nhất của thoát vị đĩa đệm (thoát vị thoát nhân nhầy, thoát vị có mảnh rời ).
Xem thêm:
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có thể chữa khỏi không?
Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Từ hai nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm này có thể suy ra rất nhiều yếu tố trong sinh hoạt hàng ngày có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm:
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm do tuổi tác
Từ tuổi 25, cơ thể chúng ta đạt ngưỡng phát triển tối đa. Cũng từ lúc này, sự lão hoá bắt đầu diễn ra với tốc độ tỉ lệ thuận với tuổi tác. Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở tuổi trung niên, khoảng từ 35 đến 45 tuổi, khi đĩa đệm đã bị thoái hoá ở một mức độ nhất định.
Hình: Tuổi cao dẫn đến thoái hoá đĩa đệm cột sống
Tuy nhiên, sau 60 tuổi thì nguy cơ thoát vị lại giảm xuống, một phần do đĩa đệm bị thoái hoá mất nước nhiều nên áp suất nhân nhầy giảm xuống, mặt khác do ở tuổi này người ta thường ít làm việc nặng và ít chơi các môn thể thao có nguy cơ gây thoát vị cao.
Ở một số người, quá trình thoái hoá xảy ra rất sớm, ở độ tuổi 20. Nguyên nhân một phần có lẽ do di truyền, một phần do dinh dưỡng và hoạt động thể lực không đúng.
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm từ đặc tính nghề nghiệp
Các nhóm nghề nghiệp mang nguy cơ cao nhất là:
+ Công nhân bốc vác, xây dựng, thợ cơ khí thường xuyên phải mang vác, khiêng, bê vật nặng nên cột sống phải chịu tải trọng lớn. Người hay xách vật nặng một tay có nguy cơ thoát vị cao hơn xách cân đối bằng hai tay.
+ Lái xe tải đường dài và lái máy xây dựng: do các rung động, dằn xóc tác động liên tục lên cột sống, lại phải ngồi lâu ở một tư thế khiến dinh dưỡng đĩa đệm kém.
+ Nhân viên văn phòng: tỉ lệ thoát vị đĩa đệm trong giới văn phòng ngày càng gia tăng. Khác với nhóm lao động nặng có nguy cơ thoát vị đĩa đệm do chấn thương cao, nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm đối với những người này là do họ ngồi quá lâu ở một tư thế khiến đĩa đệm không được nuôi dưỡng sớm dẫn đến thoái hoá. Do đĩa đệm bình thường không có mạch máu nuôi dưỡng mà được cung cấp cấp chất dinh dưỡng thông qua quá trình thẩm thấu. Khi cơ thể duy trì ở trạng thái ngồi quá lâu thì áp suất nội đĩa không thay đổi khiến quá trình thẩm thấu và nuôi dưỡng khó xảy ra.
Hình: Người làm văn phòng có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm từ lối sống
Lối sống thiếu khoa học là nguyên nhân dẫn đến thoát vị đĩa đệm, ngay cả đối với những người còn rất trẻ. Cuộc sống thành thị ít vận động, thói quen sử dụng xe máy ngay cả trên những đoạn đường ngắn, không tập thể dục khiến hệ cơ xương yếu đi, không đỡ nổi trọng lượng cơ thể cùng với việc đĩa đệm thoái hoá sớm do không được nuôi dưỡng thông qua quá trình vận động cơ thể khiến nguy cơ thoát vị tăng cao.
Hình: Thừa cân, lối sống ít vận động khiến đĩa đệm nhanh bị thoái hoá
Ngoài ra, lối sống vội vàng gây tâm lý căng thẳng hay trầm cảm là một trong những nguyên nhân chính gây thoát vị, sau yếu tố di truyền, tải trọng lên cột sống và lao động nặng.
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm từ thuốc lá
Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc có chỉ số thoái hoá đĩa đệm cột sống cao hơn 18% so với người không hút. Hút thuốc với chu kỳ 3 tiếng một lần làm giảm tới 50% hiệu quả vận chuyển và và 30-40% hiệu quả thẩm thấu các chất hoà tan nuôi dưỡng đĩa đệm khiến tốc độ thoái hoá đĩa đệm diễn ra nhanh hơn. Bản thân đĩa đệm thoái hoá có thể gây đau, ngoài ra, nó làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Xem thêm: Hút thuốc lá - Nguy cơ gây thoái hoá đĩa đệm cột sống
Hình: Chất độc từ thuốc lá làm giảm sự nuôi dưỡng đĩa đệm, dẫn đến thoái hoá đĩa đệm
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm từ chấn thương
Những chấn thương mạnh, đột ngột do tai nạn, ngã, trượt tạo sự tăng tốc và hãm đột ngột không đồng đều của các phần cơ thể khác nhau tạo nên lực kéo giãn hoặc nén lớn, gây chấn thương cột sống mà phần nhạy cảm nhất là đĩa đệm.
Hình: Chấn thương gây thoát vị đĩa đệm đột ngột
Ngoài ra, những động tác nâng nặng, đẩy, kéo thường xuyên, thói quen đeo túi, xách nặng một bên sẽ gây nên các vi chấn thương. Những vi chấn thương này ban đầu chỉ ở mức độ cơ thể không nhận thấy nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm do rung lắc
Khi con người ở lâu trong môi trường thường xuyên rung động như công nhân điều khiển máy công nghiệp, lái xe tải đường dài hay thậm chí thường xuyên phải đi xe máy đường xa qua các đoạn đường không bằng phẳng thì cột sống chịu nhiều ảnh hưởng xấu. Đặc biệt khi đã quen với môi trường rung động, cơ thể chúng ta thả lỏng, điều này khiến tác động của sự rung lên cột sống mạnh hơn do thiếu nâng đỡ của hệ cơ xương.
Nguy cơ thoát vị đĩa đệm do chấn thương thể thao
Hầu hết mọi hoạt động thể thao đều có thể gây chấn thương cột sống nhưng tất nhiên, các môn thể thao vận động mạnh chứa nhiều rủi ro hơn. Những người chơi thể thao nghiệp dư hoặc không thường xuyên tập luyện có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao hơn, một phần do tập luyện không đúng phương pháp, một phần do cột sống không được rèn luyện thường xuyên để thích ứng.
Nói như vậy không có nghĩa là thể thao chỉ có hại cho đĩa đệm mà ngược lại rất tốt cho cột sống nói riêng và sức khoẻ thể chất, tinh thần nói chung. Tuy nhiên, việc lựa chọn môn thể thao phù hợp với thể chất, tuổi tác và tập luyện đúng phương pháp là vô cùng quan trọng.
Điều trị thoát vị đĩa đệm như thế nào?
Xem thêm: Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm
Tuỳ mức độ bệnh nhẹ hay nặng mà bệnh nhân có thể cân nhắc giữa phương pháp điều trị bảo tồn (điều trị bằng thuốc đông – tây y, tập thể dục, tập vật lý trị liệu, nghỉ ngơi…) hay các phương pháp can thiệp ít xâm lấn (giảm áp đĩa đệm bằng laser, bằng sóng radio, tiêu nhân nhầy bằng hoá dược, cắt bỏ phần lồi đĩa đệm bằng nội soi qua da..) hoặc nặng nhất là mổ hở khi tất cả các phương pháp khác không có đáp ứng.
Vốn dĩ cơ thể chúng ta có cơ chế tự hồi phục. Bệnh nhân ở giai đoạn bệnh nhẹ có thể bắt đầu điều trị bảo tồn trong khoảng sáu tuần. Mục tiêu của điều trị bảo tồn là giúp giảm đau và kích thích quá trình tự hồi phục diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu điều trị bảo tồn tích cực sau hai - ba tuần mà chưa có tiến triển, thậm chí bệnh trở nặng, bệnh nhân đau nhiều và các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, bệnh nhân nên được chỉ định các phương pháp ít xâm lấn hoặc thậm chí phẫu thuật để giải quyết tình trạng thoát vị giúp bệnh nhân mau chóng trở lại sinh hoạt vận động bình thường.
Xem thêm:
Chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu
Quang Minh Clinic
Chú ý: Việc đăng lại bài viết không ghi rõ nguồn http://www.quangminhclinic.com/ là vi phạm bản quyền
Mới hơn
- Chế độ ăn và dinh dưỡng cho bệnh nhân đau lưng (07/07/2014)
- Không còn đau lưng với 5 tư thế yoga hàng ngày (29/06/2014)
Cũ hơn
- Các phương pháp điều trị đau thần kinh tọa (11/06/2014)
- Đau thần kinh tọa là gì? (11/06/2014)
- Chữa thoái hoá cột sống bằng vật lý trị liệu (05/06/2014)
- Chữa thoát vị đĩa đệm ở đâu tốt? (05/06/2014)
- Chữa thoát vị đĩa đệm bằng vật lý trị liệu (03/06/2014)
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (03/06/2014)
- Đau thần kinh tọa có chữa khỏi không? (03/06/2014)
- Chữa thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật (03/06/2014)
- Thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không? (01/06/2014)
- Thoát vị đĩa đệm có thể chữa khỏi không? (01/06/2014)
Ý kiến bạn đọc
Thời đại này ngồi văn phòng nhiều, ít vận động là nguyên nhân chính
Reply →